Trang chủPhân tích kỹ thuậtChứng khoán là gì ? Những điều cần biết về chứng khoán

Chứng khoán là gì ? Những điều cần biết về chứng khoán

Chứng khoán và thị trường chứng khoán những năm trở lại đây đã trở nên quá quen thuộc với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết bản chất của chứng khoán cũng như hiểu được những rủi ro bên trong khi lựa chọn đầu tư chứng khoán.

Chứng khoán

1.1. Chứng khoán là gì ?

Chứng khoán là những giấy tờ có giá và có khả năng chuyển nhượng, xác định số vốn đầu tư (tư bản ban đầu); chứng khoán xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền đòi nợ hợp pháp, bao gồm các điều kiện về thu nhập và tài sản trong một thời gian nào đó.

1.2. Chứng khoán có những đặc điểm gì?

Chứng khoán là một tài sản tài chính có các đặc điểm cơ bản sau:

Khả năng sinh lợi: Nhà đầu tư mua chứng khoán nhằm mục đích nắm giữ tài sản và kỳ vọng tài sản đó sẽ sinh lời trong tương lai. Khoản thu nhập (lợi nhuận) có được từ hoạt động đầu tư chứng khoán đến từ hai khía cạnh: từ lợi tức được phân chia hàng năm khi doanh nghiệp làm ăn có lãi và việc tăng giá chứng khoán trên thị trường. Lợi nhuận kỳ vọng của khách hàng luôn gắn với rủi ro: lợi nhuận càng cao thì mức độ rủi ro càng cao.

Tính rủi ro: Chứng khoán là tài sản tài chính đại diện cho khối tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy giá trị của chứng khoán cũng biến động theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn tốt, giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó tăng và ngược lại.

Tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp đã không phản ánh đúng vào báo cáo tài chính hàng năm thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình, chính vì vậy mức rủi ro của nhà đầu tư càng cao khi mua phải những cổ phiếu như vậy.

Khả năng thanh toán của chứng khoán: Theo quy định của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể mua hay bán chứng khoán của mình trên thị trường trong giờ giao dịch. Bạn có cổ phiếu trong tài khoản, bạn có thể bán chúng bất kỳ lúc nào (chỉ là bạn kỳ vọng bán cổ phiếu đó với giá bao nhiêu). Chính điều đó đã mang lại tính thanh toán cho chứng khoán.

1.3. Có những loại chứng khoán gì?

Có rất nhiều cách phân loại khác nhau, tùy theo tiêu thức phân loại mà có các loại chứng khoán khác nhau. Tuy nhiên, chứng khoán có thể được chia theo ba tiêu thức chủ yếu, đó là theo tính chất của chứng khoán, theo khả năng thu nhập và theo khả năng chuyển nhượng.

Phân loại chứng khoán theo tính chất : các loại chứng khoán được phân thành :

+ Chứng khoán vốn

+ Chứng khoán nợ

+ Các chứng khoán phái sinh

– Phân loại chứng khoán theo khả năng thu nhập  

+ Chứng khoán có lợi tức ổn định

+  Chứng khoán có lợi tức không ổn định

Phân loại chứng khoán theo khả năng chuyển nhượng

+ Chứng khoán vô danh

+ Chứng khoán ký danh

Thị trường chứng khoán

2.1. Thị trường chứng khoán gì là?

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch mua bán, trao đổi, chuyển nhượng các loại chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời.

Các giao dịch có thể diễn ra ở thị trường sơ cấp ( Primary Market) hay thị trường thứ cấp (Secondary Market), tại Sở giao dịch (Stock Exchange) hay thị trường chứng khoán phi tập trung (Over The Counter Market), ở thị trường trao ngay (Spot Market) hay thị trường có kỳ hạn (Future Market). Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây chính là quá trình vận động của tư bản, chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.

2.2. Thị trường chứng khoán mang lại lợi ích gì ?

Thị trường chứng khoán (TTCK)- một định chế tài chính hữu hiệu trong việc thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy và phát triển kinh tế và là công cụ quan trọng cho quá trình cổ phần hoá. Sự tạo lập và phát triển thị trường chứng khoán có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của các nước có nền kinh tế thị trường.

Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng.

Với số tiền tiết kiệm đã có, nhiều người phân vân không biết đặt chúng vào đâu. Sự ra đời của TTCK đã cung cấp môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội đầu tư phong phú cho công chúng. Phần lớn các công cụ của TTCK đều có khả năng mang lại lợi ích do được hưởng lãi suất. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình bởi các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro.

Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán.

Nhờ TTCK, khả năng thanh khoản của các chứng khoán được nâng cao, điều này làm tăng tính hấp dẫn của chứng khoán đối với nhà đầu tư, tạo tính linh hoạt và an toàn của vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn.

Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Qua TTCK, các công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong và ngoài nước cho sản xuất và kinh doanh. Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, có uy tín thì có thể tiếp tục gọi vốn bằng việc phát hành các cổ phiếu mới, đồng thời còn có thể phát hành các loại trái phiếu để vay tiền của công chúng mà không cần đến sự giúp đỡ của tín dụng ngân hàng. Các nguồn vốn nhàn rỗi sẽ được TTCK thu hút và chuyển tải trực tiếp vào các doanh nghiệp để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội.

Là công cụ để Nhà nước thực hiện chương trình phát triển KT-XH

Nhà nước nào cũng có nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế. Ngân sách Nhà nước càng lớn thì chương trình phát triển kinh tế-xã hội càng dễ thành công. Nguồn thu chủ yếu của Ngân sách là thuế. Muốn có nguồn thu thuế dồi dào cần phải khuyến khích thành lập nhiều doanh nghiệp và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Vốn của TTCK là tiền đề cơ bản cho sự nghiệp trên. Đây là chính sách bồi dưỡng nguồn thu cho Ngân sách. Trong thời gian ngân sách không đủ để chi tiêu thì nguồn thu khác là phát hành chứng khoán: trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương…Tính thanh khoản của TTCK sẽ giúp cho việc phát hành các công cụ tài chính này được dễ dàng hơn.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.

Để huy động vốn thông qua TTCK bằng việc phát hành chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện như: kinh doanh hợp pháp, tài chính lành mạnh, có doanh lợi… và với sự tự do lựa chọn của người đầu tư, để bán được chứng khoán không có cách nào khác là những nhà quản lý doanh nghiệp phải tính toán, làm ăn đàng hoàng và có hiệu quả.

Thước đo nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Khi chỉ số chứng khoán tăng nghĩa là giá trung bình các cổ phiếu tăng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có cổ phiếu được tính trong chỉ số chứng khoán đang làm ăn phát đạt. Theo logic, nó là một hàn thử biểu phản ánh tình trạng của toàn bộ nền kinh tế.

Góp phần đánh giá đúng đắn doanh nghiệp, dự đoán tương lai.

Các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết bắt buộc phải cung cấp định kỳ các thông tin về tình hình hoạt động, điều này cho phép các nhà đầu tư có một cách nhìn chính xác về doanh nghiệp đó, giúp họ đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện. Đồng thời, sự hình thành thị giá chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK cũng đã bao hàm sự đánh giá thực trạng của doanh nghiệp đó ở hiện tại và dự đoán trong tương lai. Từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.

Đầu tư chứng khoán mang lại lợi ích gì ?

Đầu tư là quá trình nhà đầu tư mang vốn của mình sử dụng vào mục đích nhất định nhằm thu được một khoản tiền lớn hơn, và đầu tư chứng khoán cũng không nằm ngoài mục đích đó. So với các loại hình đầu tư khác, đầu tư chứng khoán có những ưu việt hơn, được thể hiện qua một số mặt chủ yếu :

Thứ nhất, chuyển vốn từ lĩnh vực, ngành, công ty này sang lĩnh vực, ngành, công ty khác một cách dễ dàng. Nhờ có TTCK các nhà đầu tư có thể bán chứng khoán khi họ thấy chứng khoán của công ty đó, ngành đó hay lĩnh vực đó đem lại cho họ khoản lợi nhuận lớn hơn. Đây là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư khi đầu tư vào chứng khoán, và đó cũng là tính ưu việt nổi bật nhất của TTCK. TTCK hoạt động càng sôi động và càng có hiệu quả bao nhiêu thì càng nâng cao khả năng chuyển đổi của các chứng khoán giao dịch trên thị trường bấy nhiêu.

Thứ hai, tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư trung và dài hạn cho nền kinh tế. Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua TTCK, Chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.

Thứ ba: là một loại hình đầu tư có thể bắt đầu với số vốn nhỏ. Từ 100.000đ bạn đã có thể đầu tư chứng khoán. Bạn có thể tích lũy dần dần để đầu tư, với số tiền nhỏ, rải rác đó nếu tổng hợp lại sau khi đã mua chứng khoán – góp gió thành bão – thì chúng ta đã có được một khoản vốn lớn và dài hạn, và đem số tiền này đầu tư vào các dự án trung và dài hạn. 

Nếu so sánh với việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, chúng ta phải có một khoản tiền đủ lớn mới nên gửi để bảo đảm nhận được một khoản tiền lãi trong khoảng thời gian nhất định trong tương lai, thì đầu tư vào chứng khoán là thuận lợi hơn.

Thứ tư, TTCK cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn đầu tư phong phú nhờ sự đa dạng về chứng khoán. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình.

Thứ năm, giảm thiểu chi phí tìm kiếm và chi phí thông tin. Để cho các giao dịch có thể diễn ra, những người mua và những người bán cần phải tìm được nhau; muốn thế, họ cần phải tiêu tốn tiền và thời gian cho việc quảng cáo ý đồ của mình và tìm kiếm đối tác. Đó là những chi phí tìm kiếm. 

Thứ sáu, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, nền kinh tế, từ đó giúp Chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô. 

Như vậy đối với các nhà đầu tư, bước đầu cho thấy việc đầu tư vào chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn so với việc gửi tiền vào ngân hàng. Và cũng là tiền để thêm phần thúc đẩy việc tham gia hoạt động trên TTCK đối với các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước điều hành, quản lý TTCK như một công cụ điều tiết sự phát triển của nền kinh tế một cách lành mạnh.

Những rủi ro có thể gặp khi đầu tư chứng khoán

Bất cứ một loại hình đầu tư nào cũng có rủi ro. Đầu tư chứng khoán cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân của nó là sự giảm sút cổ tức, trái tức hay giá chứng khoán mà ta đã đầu tư.

Như vậy, trong quá trình tiến hành đầu tư, các nhà đầu tư ( kể cả các nhà đầu tư có tổ chức và nhà đầu tư cá nhân) cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro để có thể lượng hoá và từ đó lựa chọn các công cụ và giải pháp quản lý rủi ro một cách thích hợp nhằm giảm rủi ro tới mức tối thiểu để đạt được lợi nhuận đầu tư vào chứng khoán như mong muốn (lợi nhuận mong đợi).

Việc đối đầu với những rủi ro trong đầu tư chứng khoán là điều không thể tránh khỏi, và cũng không thể ngăn chặn được tất cả mọi rủi ro; cho nên hạn chế được rủi ro càng nhiều thì càng tốt. Trong đầu tư chứng khoán, ta có thể phân chia làm hai loại rủi ro chính như sau :

Một là, những rủi ro do các yếu tố nằm ngoài công ty, không kiểm soát được, có ảnh hưởng rộng rãi đến cả thị trường và tất cả mọi loại chứng khoán được gọi là rủi ro hệ thống ( như rủi ro thị trường, rủi ro lạm phát, rủi ro lãi suất…).

Hai là, những rủi ro do các yếu tố nội tại gây ra, nó có thể kiểm soát được và chỉ tác động đến một hoặc một số chứng khoán, gọi là rủi ro không hệ thống ( rủi ro tài chính, rủi ro kinh doanh…). Các yếu tố rủi ro không hệ thống thường độc lập với các yếu tố rủi ro liên quan đến toàn bộ thị trường nói chung. Do những rủi ro này thường ảnh hưởng đến một công ty cụ thể nên nó phải được xem xét cho từng công ty một cách riêng biệt.

Dưới đây là một số loại rủi ro mà các nhà đầu tư thường gặp :

Rủi ro hệ thống

Rủi ro về thị trường

Cổ phiếu và trái phiếu đều chứa đựng một mức độ rủi ro thị trường nhất định. Rủi ro thị trường là rủi ro mà nhà đầu tư có thể mất một phần vốn do tính không ổn định về giá trên thị trường ( còn gọi là rủi ro hệ thống). Cổ phiếu thường bất ổn hơn trái phiếu, giá của cổ phiếu có thể tăng hay giảm đột biến tùy thuộc nhu cầu của nhà đầu tư.

Rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất nói đến sự không ổn định trong giá trị thị trường và số tiền thu nhập trong tương lai, nguyên nhân là dao động trong mức lãi suất chung.

Các nhà đầu tư thường coi trái phiếu Chính phủ là không có rủi ro. Lãi suất của trái phiếu Chính phủ được xem như là lãi suất chuẩn, là mức phí vay vốn không rủi ro. Những thay đổi trong lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống chứng khoán, từ trái phiếu cho đến các loại cổ phiếu rủi ro nhất. Việc tăng lên của lãi suất chuẩn làm giá cả của các loại chứng khoán khác giảm xuống. Tương tự, lãi suất chuẩn giảm lại làm cho giá của các loại chứng khoán tăng lên.

Rủi ro về lạm phát

Khi lãi suất đầu tư vào chứng khoán thấp hơn tỷ lệ lạm phát, tiền của nhà đầu tư sẽ bị mất dần giá trị theo thời gian. Ví dụ, trong điều kiện lạm phát, nếu nhà đầu tư bây giờ bỏ một số tiền X để mua Y trái phiếu, khi đáo hạn số tiền thu được sẽ không còn đủ để mua Y trái phiếu tương đương.

Mặt khác, giá cả chứng khoán được thể hiện bằng tiền nên những biến động tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến giá cả chứng khoán. Lạm phát làm cho sức mua tiền tệ giảm xuống, do đó làm cho giá cả tăng lên và thu nhập được thực tế của cổ tức và trái tức giảm đi, giá trị hoàn vốn của trái phiếu cũng giảm xuống.

Rủi ro về sức mua

Rủi ro này bắt nguồn từ những biến động của lạm phát, bởi lạm phát làm suy giảm độ hấp dẫn của tài sản. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư thì điều quan trọng nhất là lãi suất thực và giá trị thực của vốn ( lãi suất và giá trị vốn được điều chỉnh sau lạm phát). Như vậy, nhà đầu tư có nhận được giá trị tài sản thực dương hay không phục thuộc rất nhiều vào lạm phát kỳ vọng.

Rủi ro lãnh thổ

Rủi ro này xuất hiện khi người cho vay cung cấp tài chính cho nước ngoài. Những rủi ro chính trong trường hợp này là việc cơ cấu lại nợ của Chính phủ nước nhận vốn vay, sự phá sản của những người vay vốn tại khu vực tư nhân. Tuy nhiên, rủi ro lãnh thổ thực sự chỉ phản ánh những biểu hiện, triệu chứng phá sản hay sai lầm của những nhà đầu tư tại nước nhận vốn. 

Rủi ro tỷ giá

Bất cứ một chủ thể nào nắm giữ một tài sản nợ hoặc tài sản có bằng ngoại tệ đều phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá (cả trong trường hợp tăng giá cũng như phá giá). Để tránh loại rủi ro này có thể chuyển nó cho đối tác khác gánh chịu thông qua nghiệp vụ hoán đổi tỷ giá (SWAP), nghiệp vụ này cũng có những đặc điểm tương tự như nghiệp vụ hoán đổi lãi suất. 

Rủi ro tỷ giá cũng có thể tránh được bằng cách chỉ cho vay tiền mà khách hàng nắm giữ. Bên cạnh đó, người đi vay cũng có thể tránh được rủi ro tỷ giá bằng cách ký hợp đồng vay có cùng loại tiền với hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra người bảo lãnh thường chấp nhận rủi ro tỷ giá trong thanh toán. Những người bảo lãnh như vậy thường là các Chính phủ hoặc các chủ thể đại diện Chính phủ ( thường là Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương), trường hợp này thường xảy ra đối với đấu thầu xuất khẩu tín dụng.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà đầu tư tài chính thì mục tiêu quan trọng nhất là xác định được mức độ rủi ro của các hạng mục đầu tư, và như vậy việc đưa các loại rủi ro về cùng một nhóm để tiện theo dõi là rất cần thiết. 

Rủi ro không hệ thống

Rủi ro kinh doanh

Rủi ro kinh doanh xuất phát từ tình trạng hoạt động của công ty, khi có những thay đổi trong tình trạng này công ty có thể sẽ bị sụt giảm lợi nhuận và cổ tức. Rủi ro kinh doanh có thể chia làm hai loại cơ bản : bên ngoài và nội tại. Rủi ro kinh doanh nội tại phát sinh trong quá trình vận hành hoạt động của công ty. Mỗi công ty có một loại rủi ro nội tại riêng và mức độ thành công của mỗi công ty thể hiện qua hiệu quả hoạt động.

Trong phạm vi rộng hơn, rủi ro kinh doanh bên ngoài là những trường hợp xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát của công ty và làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động của công ty. Mỗi công ty có một kiểu rủi ro bên ngoài riêng, phụ thuộc vào yếu tố môi trường kinh doanh cụ thể của công ty. Các yếu tố bên ngoài, từ chi phí tiền vay đến sự cắt giảm ngân sách, từ mức thuế nhập khẩu tăng đến sự suy thoái của chu kỳ kinh doanh…, và có lẽ yếu tố quan trọng nhất đó là chu kỳ kinh doanh đều có thể dẫn đến rủi ro kinh doanh của công ty.

Rủi ro tài chính

Là nguy cơ mất một phần hay toàn bộ vốn đầu tư do tổ chức phát hành chứng khoán không trả được. Cũng có thể hiểu theo một cách khác, rủi ro tài chính là rủi ro về thanh toán cổ tức, lãi trái phiếu và hoàn trả vốn gốc cho trái phiếu đầy đủ, đúng hạn hay không. Các trái phiếu Chính phủ và địa phương tương đối an toàn hơn nên rủi ro loại này thấp hơn. Những trái phiếu dài hạn có rủi ro tài chính cao hơn trái ngắn hạn do thời gian đáo hạn lâu hơn. Cổ phiếu ưu đãi an toàn hơn cổ phiếu thường. 

Khi các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân xem xét đầu tư vào chứng khoán, họ phải nhận định được mức độ rủi ro thấp hay cao để ra quyết định đầu tư phù hợp.

Mặc dù việc đầu tư vào chứng khoán luôn tiềm ẩn những khả năng rủi ro nhưng không thể phủ nhận được những lợi ích mà TTCK mang lại. Nên cân nhắc, xem xét đầy đủ cả hai vấn đề lợi ích và rủi ro để ra quyết định thích hợp. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm và hiểu biết của công chúng đầu tư đến lĩnh vực chứng khoán, sự ra đời và hoạt động của các TTGDCK sẽ tạo môi trường tốt cho hoạt động đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Bạn cần làm gì nếu muốn bắt đầu đầu tư chứng khoán

Bước 1: Lựa chọn một công ty để mở tài khoản chứng khoán

Ghi chú: Một số công ty có thị phần lớn tại VN: Công ty cổ phần chứng khoán sài gòn (SSI), Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC), Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, Công ty cổ phần chứng khoán MB, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Hà Nội

Bước 2: Mở tài khoản chứng khoán

Để có thể bắt đầu việc mua/ bán chứng khoán bạn cần phải có 1 tài khoản chứng khoán (được đăng ký mở thông qua các công ty chứng khoán). 

Bạn chỉ cần liên hệ với 1 công ty chứng khoán yêu cầu mở tài khoản. Nhân viên công ty sẽ hướng dẫn bạn hoàn tất các thủ tục để mở tài khoản (bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn của nhân viên Công ty)

Bước 3: Sau khi hoàn tất hồ sơ, Công ty chứng khoán sẽ thông báo cho bạn biết tài khoản của bạn đã được mở thành công. 

Việc bạn cần làm là chuyển tiền vào tài khoản để thực hiện đầu tư.

Lưu ý: Bạn có thể chuyển bao nhiêu tiền vào tài khoản đầu tư tùy bạn. Bạn có thể chuyển 500.000 VNĐ, 1.000.000 VNĐ hay 1 tỷ hoặc nhiều hơn thế tùy vào khả năng tài chính của bạn.

Bước 4: Thực hiện lệnh mua/ bán chứng khoán trên tài khoản của mình

Trước khi để có thể thực hiện việc mua bán. Bạn cần hiểu một số điều cơ bản sau:

  • Đọc bảng giá chứng khoán: Trên bảng giá chứng khoán có những mã chứng khoán và được thể hiện thông qua các bước giá trên bảng điện tử với 5 màu cơ bản sau:

  • Giá màu vàng: thể hiện giá tham chiếu (giá đóng cửa của ngày hôm trước là giá tham chiếu của ngày giao dịch hôm sau)
  • Giá màu xanh: Thể hiện mức giá cao hơn giá tham chiếu
  • Giá màu đỏ: Thể hiện mức giá thấp hơn giá tham chiếu
  • Giá màu tím: mức giá trần của mã cổ phiếu đó (mức giá cao nhất của cổ phiếu được phép giao dịch ngày hôm đó)

Giá trần =  Bằng giá tham chiếu x (100% + biên độ giao động)

  • Giá màu xanh nhạt: mức giá sàn của mã cổ phiếu đó (mức giá thấp nhất của cổ phiếu được phép giao dịch ngày hôm đó)

Giá sàn = Giá tham chiếu x (100% – Biên độ giao động)

  • Biên độ giao động trên 3 sàn: HOSE, HNX, UPCOM tương ứng là 7%, 10%, 15% đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Và có thể là 20%, 30%, 40% đối với cổ phiếu giao dịch trong ngày đầu tiên hoặc không giao dịch sau 25 ngày liên tiếp.

Cần phải lưu ý gì khi đầu tư chứng khoán

Bất cứ khi bạn lựa chọn bỏ tiền của mình ra để đầu tư một lĩnh vực nào đó nhằm mục đích sinh lời bạn đều phải nghĩ đến việc tìm hiểu chi tiết về lĩnh vực đó.

Vậy bạn muốn tham gia vào đầu tư chứng khoán, thì bạn cần:

  • Tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi những kiến thức cơ bản nhất về thị trường chứng khoán như: chứng khoán là gì, có những loại chứng khoán nào, có những cách thức đầu tư chứng khoán nào, muốn đầu tư chứng khoán thì nhà đầu tư cần làm những gì,…?
  • Sau khi có được những hiểu biết cơ bản về chứng khoán, bạn cần lựa chọn loại hình đầu tư: đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ. Bạn cần cân nhắc với nhu cầu và mong muốn của mình để lựa chọn (mức độ rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao). 
  • Xem xét khả năng tài chính. Bạn cần phải suy nghĩ khi đưa ra quyết định sử dụng bao nhiêu trên tổng vốn bạn có cho hoạt động đầu tư. Phân bổ danh mục đầu tư sao cho hợp lý nhất (phương châm: không để trứng vào cùng một giỏ)
  • Ngoài ra, bạn cũng nên đánh giá Công ty chứng khoán nào đang có uy tín nhất trên thị trường để mở tài khoản. Một công ty chứng khoán có uy tín, có thể có những lời khuyên bổ ích và hiệu quả cho bạn trong quá trình đầu tư.
  • Lựa chọn tư vấn viên: Công ty nơi bạn mở tài khoản có thể cung cấp tư vấn viên cho bạn, giúp bạn có những định hướng đầu tư, đưa ra cho bạn những nhận định, những thông tin phân tích về thị trường, về doanh nghiệp để bạn có hướng đầu tư hiệu quả.
  • Luôn bám sát thị trường và các thông tin nhạy cảm: Thị trường chứng khoán đặc biệt nhạy cảm với các thông tin kinh tế, chính trị trong và ngoài  nước. Nên bạn cần có lập trường trong quá trình đầu tư và sử dụng vốn linh hoạt.
  • Nên tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đầu tư: Với các nhà đầu tư chứng khoán, luôn có nguyên tắc đầu tư: sẵn sàng cắt lỗ khi xuống đến mức giá sàn nhất định. Để có thể bảo toàn vốn tốt, bạn nên tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này.
  • Nên để trứng vào nhiều giỏ: Bạn nên cân nhắc vào quỹ tài chính của mình để đầu tư. Không nên mua 1 mã chứng khoán mà có thể lựa chọn đầu tư 2 đến 3 mã chứng khoán (hoặc hơn thế nếu khoản đầu tư của bạn lớn)

Một số câu hỏi thường gặp

7.1. Tôi có thể mất toàn bộ vốn nếu đầu tư vào thị trường chứng khoán không?

Nhà nước có đưa ra bộ luật về thị trường chứng khoán, và có quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có khả năng mất vốn khi đầu tư vào một mã chứng khoán mà mã CK của công ty đó bị bật ra khỏi sàn do không tuân thủ đầy đủ các quy định của sàn GDCKNN (khả năng xảy ra rất hiếm)

7.2. Có những sàn giao dịch chứng khoán nào?

Có 3 sàn giao dịch chứng khoán: HOSE, HNX và sàn UPCOM

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chứng khoán hy vọng có thể giúp ích

được các bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

Kim Dũng
Kim Dũnghttps://tienaoplus.com
Tôi Là Dũng Lĩnh vực mà tôi đang hoạt động là Digital Marketing ( Online Marketing ) MMO, Affiliate marketing, Kinh Doanh , để đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 tôi lập ra trang tienaoplus.com này cập nhật các thông tin thị trường coin, để giúp cho các nhà đâu tư có thêm các thông tin kiến thức trong lĩnh vực này .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Tin Mới Cập Nhật

Võ sĩ huyền thoại Mike Tyson tham gia mạng xã hội...

0
Huyền thoại quyền anh Mike Tyson đã trở thành đại sứ cho ứng dụng mạng xã hội dựa trên blockchain, Ready to Fight. Tyson...